NHỮNG BƯỚC CHÂN TRẦN TRỤI

Hiện nay phong trào chạy chân đất (barefoot) đang được giới chạy bộ ở Việt Nam đặc biệt lưu ý. Tôi nghĩ đã đến lúc mình phải viết một bài về đề tài này với mong mỏi chia sẻ với các bạn những gì tôi biết được dựa theo các bài nghiên cứu có giá trị.

Thứ nhất, chúng ta phải hiểu rõ khác biệt giữa việc chạy barefoot và chạy mang giày là cách bàn chân tiếp đất. Điều hiển nhiên là chạy barefoot do không có lớp nệm bảo vệ đôi chân cho nên runner sẽ chạy dè dặt hơn, không dám sải bước dài và không dám đáp gót mà chỉ có thể đáp bằng mũi hay lòng bàn chân. Kết quả là số vòng xoay chân (cadence) sẽ tự động tăng lên và chân đáp ngay dưới hông thay vì duỗi dài ở trước mặt. Điều này giúp giảm khả năng gây chấn thương vì lực tác động khi chân tiếp đất không đáng kể. Trong khi đó, đa số runner mang giày có khuynh hướng đáp bằng gót chân, việc này tạo ra một lực ngược chiều mặt đất với mức độ gấp ba lần trọng lượng cơ thể, tạo khả năng dẫn đến chấn thương gân Achilles và rạn xương ống đồng.

Tiếng Anh có câu “jump on the bandwagon” để ám chỉ những người chạy theo trào lưu khi thấy trào lưu đó có vẻ mang lại thành công. Tuy nhiên trước khi nhảy lên chiếc xe thổ mộ có kéo theo ban nhạc đó chúng ta cũng cần phải biết nó có hợp với mình không, nhảy không đúng chỗ coi chừng té gãy chân. Đặt trường hợp bạn là người xưa nay mang giày chạy rất ổn với form chạy đúng đắn mà vẫn muốn trải nghiệm xem chạy barefoot như thế nào mà thiên hạ lại nhặng lên thế kia, bạn hoàn toàn có quyền thử. Tuy nhiên phải hết sức cẩn thận và đừng để xảy ra tình huống lợn lành chữa thành lợn què. Một điều không cần phải bàn cãi là lợi ích của việc đi giày khi phải chạy qua những con đường đầy sỏi đá hay mảnh vở thủy tinh. Bàn chân trần khi tiếp đất giúp bạn cảm nhận được thiên nhiên vạn vật, hồi xưa tổ tiên chúng ta làm gì biết đến những đôi giày Nike, Adidas, Brooks, Asics, Mizuno, Solomon,… nhưng họ đã là những người thợ săn thiện nghệ, có thể chạy đuổi theo những con linh dương cho đến khi chúng kiệt sức mà không cần có những lớp bọc kiên cố quanh đôi chân của họ.

Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về lịch sử chạy bộ barefoot.

Tuy nhiên, bàn chân trần của chúng ta ngày nay khác với của tổ tiên. Từ khi mới lọt lòng đôi chân của chúng ta đã được bảo vệ, khi còn ấu nhi đôi chân mảnh khảnh của chúng ta đã được mẹ bọc lại bằng những đôi tất tí hon. Khi tập đi chập chững chúng ta được trải nghiệm barefoot nhưng không lâu sau đó cha mẹ lại bắt chúng ta xỏ giày xỏ dép vào. Nói chung là đôi chân của chúng ta được bảo vệ và giữ gìn cẩn thận cho nên nó rất sạch, đẹp, thơm tho nhưng cũng rất yếu đuối. Cho đến một hôm chúng ta muốn trở về với tổ tiên, muốn chạy một cách tự nhiên như muôn loài thì chúng ta nhận ra rằng điều đó không dễ dàng thực hiện, chạy chừng chục cây số là lớp da bàn chân bị phồng dộp và rát buốt, chỉ cần dẵm lên những vật nhọn và sắc là bàn chân bắt đầu rướm máu.

Ngày 10 tháng 9 năm 1960- Giải Marathon Thế Vận Hội ở Rome, Italy.

Ba VĐV người Tân Tây Lan, Jeff Julian, Barry Magee và Ray Puckett đang tập trung tối đa ở vạch xuất phát, nhưng họ không thể không thấy một runner mảnh khảnh đến từ Phi Châu, nom hắn như một bộ xương cách trí với đôi chân không mang giày. Puckett quay qua nói với hai đồng hương: “Ít nhất chúng ta chén được tên này.”

Gã runner da đen đó là Abebe Bikila đến từ Ethiopia, bàn chân trần của gã đã lướt nhanh trên những con đường của cổ thành La Mã đêm hôm đó và nó đã mang lại cho gã tấm huy chương vàng với kỷ lục thế giới lúc đó là 2:15:16. Đọc đến đây thì các bạn đã biết đêm hôm đó Ethiopia và Tân Tây Lan, ai chén ai.

Đồng thời, một mốt giày mới được gọi là minimalist cũng xuất hiện. Gọi là minimalist bởi vì nó gọn, nhẹ và không có lớp nệm bảo vệ gót cho nên mang vào có cảm giác như barefoot. Thật ra thì các hãng giày không phải là những người sáng chế ra minimalist vào năm 2011, ý tưởng này đã có từ ngàn xưa từ những bộ lạc hoang sơ thời tiền sử, ở đó thổ dân đã biết dùng da thú làm giày. Cái ý tưởng giày mỏng và nhẹ sẽ giúp bạn chạy nhanh hơn thì không phải chỉ có nhà khoa học tên lửa mới biết được, và ý tưởng này đã giúp runner người Nhật, Shigeki Tanaka, đoạt chức vô địch giải Boston 1951 nhờ đôi giày làm bằng vải không khác gì chạy mang tất bao quanh các ngón chân.

Nếu muốn biết rõ hơn về đi giày như barefoot thì cách tốt nhất là học hỏi từ những người sống gần gủi với thiên nhiên. Những ai đã đọc qua cuốn “Born To Run” của Christopher McDougal hay cuốn “Indian Running” của Peter Nabokov thì không còn lạ gì thổ dân Tarahumara với sức mạnh chạy bộ vô biên của họ trên những đôi dép làm bằng da thú thô sơ, và sức mạnh này bị lấy đi khi họ bắt buộc phải mang những đôi giày có đế dầy cộm của hãng giày nổi tiếng như Nike.

Bruce Tulloh, một runner, HLV, nhà khoa học và nhà văn người Anh, vô địch châu Âu ở cự ly 5K chạy barefoot trên đường nhựa năm 1962. Năm 1971 ông qua Mexico để tìm hiểu về thổ dân Tarahumara. Sau đó Tulloh trở thành đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học, và họ thấy rằng khi chạy ở pace dưới 5:00/mile (sub 3:06/km) thì hiệu quả chạy barefoot là 1 phần trăm, có nghĩa là được lợi 100m cho cự ly 10K. Tulloh cũng lưu ý là khi chạy barefoot thì bạn có thể tăng tốc nhanh hơn và dễ dàng hơn.

Barefoot rất thông dụng cho giới chuyên nghiệp ở Anh. Ở giải đua 6 miles (9,66km) năm 1967 ba người dẫn đầu đều chạy barefoot, về nhất năm đó là Bruce Tulloh với thời gian 27:42 (pace 2:52/km). Johnston, một barefoot runner khác hạng 3. Jim Hogan bị DNF nhưng sau đó vô địch marathon của Châu Âu. Một barefoot runner khác của Anh là Ron Hill, hạng nhì giải vô địch Cross Country thế giới năm 1964, vô địch giải 10 mile của Anh năm 1965, vô địch giải Beverly Marathon năm 1965 với thời gian 2:26:33, và hạng 7 ở giải 10K thế vận hội Mexico năm 1968. Tất cả thành tích kể trên đều được Ron Hill thực hiện bằng đôi chân trần trụi.

Một vô địch nổi tiếng khác chuyên chạy barefoot là nữ runner Zola Budd của Nam Phi (vô địch cross country 1985, 1986) người làm Mary Decker Slaney (Mỹ) vấp ngã ở giải 3000m thế vận hội Los Angeles 1984.

Trong khi đó các VĐV Mỹ lại không ưa thích chạy barefoot mấy bởi vì các giải chạy cross country không được người Mỹ chú trọng. Hal Higdon, một marathoner của Mỹ, nổi tiếng với nhiều giáo án chạy marathon được truyền tải trên mạng là người từng trải nghiệm chạy barefoot . Những năm của thập niên 60 ông bị chứng nấm chân gây nhiễm trùng, thế là ông bắt đầu chạy barefoot trên sân cỏ. Năm 1972 Higdon lập kỷ lục của Mỹ ở giải 5K London với thành tích 14:59 chạy barefoot. Một huyền thoại BF khác của Mỹ là Charlie Robbins, người chuyên chạy bằng giày minimalist. Theo lời kể của Amby Burfoot, vô địch Boston Marathon 1957 và chủ bút của tạp chí Runner’s World:

Là một bác sĩ thần kinh học, Robbins càng về già càng trở nên kỳ lạ. Ông sống trong một mái nhà tranh tồi tàn, chạy chân đất, chạy giải 5 miles (8km) ở Manchester, tiểu bang Connecticut liên tục 50 lần.

Một mặt khác, có nhiều nhà vô địch thay vì đi chân trần họ lại luyện tập bằng những đôi giày nặng nề, chẳng hạn như Alf Shrubb của Anh, người giữ nhiều kỷ lục thế giới chuyên môn tập chạy bằng giày có thêm trọng lượng. Người thứ hai là huyền thoại Emil Zatopek của Tiệp Khắc chuyên môn luyện tập bằng giày boot của quân đội. David Bedford của nước Anh cũng bắt chước Zatopek và nhờ đó phá vỡ kỷ lục ở cự ly 10K năm 1973. Tulloh và Hill, hai vận động viên của nước Anh được nhắc đến ở trên cũng chuyên luyện tập với trọng lượng gắn thêm trong giày. Tất cả họ đều cùng một quan điểm là rèn luyện sức mạnh để đôi chân trở nên nhanh nhẹn ở ngày thi đấu khi họ mang những đôi giày nhẹ hơn hoặc không mang gì cả.

Một điều chúng ta phải hiểu rõ ở đây là không có một công thức chung cho tất cả runner. Những ai thật sự muốn nâng cao thành tích của mình thì chính họ phải tự ước lượng bản thân, không thể bắt chước bất cứ ai hay làm theo những gì mình đọc thấy có lý vì chưa chắc mình là hành khách thích hợp của đoàn xe bandwagon kia. Những runner coi nặng thành tích trong lịch sử họ đã trải nghiệm đủ loại giày và không giày, song song là biết bao nhiêu cuộc nghiên cứu từ thập niên 60. Thêm vào đó là thổ dân Tarahumara, họ có thể chạy thoăn thoắt trên những rặng núi thì sao, những đôi dép sandal bằng da thô sơ của họ chưa chắc giúp chúng ta chạy nhanh ở cuộc đua marathon.

Nói chung, luyện tập bằng barefoot, minimalist, hay giày gắn thêm trọng lượng tất cả đều có thể dẫn đến sự cố. Bí quyết ở đây là, nếu bạn muốn thay đổi thì đừng nên nóng vội. “Dục tốc bất đạt!” Tất cả những đổi thay nên được diễn ra từ từ và tự nhiên.

Leave a Reply