Có thể hãng đồng hồ Garmin sẽ không vui khi biết tôi viết ra những dòng sau đây, nhưng tôi cứ viết những gì tôi nghĩ là đúng. Tôi xin đi thẳng vào vấn đề là thông số VO2Max được các dòng đồng hồ của Garmin tiên đoán là không chính xác, nếu không muốn nói là sai bét!
VO2Max, như chúng ta biết được, là năng lực tối đa của một vận động viên có thể tiếp thu khí oxy. Đơn vị của VO2Max đúng ra là thể tích khí oxy (đo bằng mililít) trong một phút, nhưng vì thể tích này phụ thuộc rất lớn ở yếu tố trọng lượng của từng người cho nên cách tiêu chuẩn hóa hay nhất là dùng đơn vị mL/phút chia cho kg, và kg là trọng lượng cơ thể.
Dựa theo định nghĩa đó chúng ta có thể suy ra dễ dàng rằng những người đã có sẵn cơ thể gọn, nhẹ sẽ khó có thể cải thiện VO2Max so với những người to béo, bởi vì giảm cân đồng nghĩa với việc tăng VO2Max.
Khi chạy bộ việc hấp thu khí oxy rất quan trọng cho nên ai cũng muốn gia tăng VO2Max của mình. Có nhiều bạn nêu thắc mắc là có cách nào cải thiện cái thông số này không. Điều quan trọng cần ghi chú ở đây là VO2Max phần lớn phụ thuộc yếu tố di truyền, luyện tập cũng gia tăng VO2Max, nhưng rất ít, và như giải thích ở trên, các vđv đã thon gọn sẵn rồi thì rất khó cải thiện VO2Max hơn các bạn to béo.
Thông thường thì VO2Max được đo bằng cách chạy hết sức (all-out) trên máy treadmill với sự giám sát của bác sĩ. Họ sẽ cho tăng tốc độ và độ dốc, vđv sẽ đeo ống thở có kết nối với bình dưỡng khí và thể tích oxy được tiêu thụ sẽ được đo chính xác. Trên biểu đồ sẽ cho thấy thể tích oxy gia tăng khi độ khó thí nghiệm gia tăng, cho đến một khi nó không tăng nữa thì thời điểm đó chính là VO2Max. Cuộc thí nghiệm thường kéo dài từ 10 đến 15 phút, và vđv nên chuẩn bị tinh thần là sau thí nghiệm sẽ mệt mỏi rả rời.
Có một thí nghiệm khác không cần bình dưỡng khí đó là thí nghiệm “Bruce Treadmill Test” hay còn được gọi là “stress test”, do bác sĩ Robert Bruce sáng chế năm 1963. Trong thí nghiệm này, vđv phải trải qua 9 giai đoạn chạy trên máy treadmill ở các tốc độ và dốc khác nhau, tổng thời gian sẽ được ghi lại và cho vào một công thức để tính ra VO2Max. Tuy nhiên, stress test cần phải có sự giám sát của bác sĩ hay chuyên gia thể thao và bởi vì lượng oxy không được đo trực tiếp cho nên thí nghiệm này khó có thể chính xác.
Nói một cách ngắn gọn thì VO2Max là thông số được xác định trong phòng thí nghiệm nơi có máy treadmill, bình dưỡng khí, ống thở và máy đo, vì vậy các con số VO2Max hiện ra trên đồng hồ đeo tay chỉ là đoán mò mà thôi.
VO2Max là một con số quan trọng cần biết khi luyện tập, đặc biệt là các bài tập tốc độ cao, nhưng đây không phải là con số quan trong duy nhất để đo lường thành tích chạy bộ, các yếu tố khác như running economy và lactate threshold đóng một vai trò quan trọng để xác định mình có thể chạy nhanh đến mức nào. Nếu bạn muốn có những con số như 70-90 ml/min/kg như những elite runner, nhưng mặc dù luyện tập bền bĩ mà vẫn thấy không thể nào đạt được mức đó thì bạn nên suy nghĩ thực tế một tí và nên chấp nhận bởi yếu tố di truyền.
Có người cải thiện VO2Max bằng cách chạy nhiều vào để tăng mileage, có người bằng cách tập các bài tốc độ như chạy 95% nhịp tim ở mức VO2Max, có nghĩa là liên tục chạy ở pace cho giải đua 5K. Tuy nhiên cái giá phải trả nếu chạy quá nhiều VO2Max là rủi ro chấn thương rất cao.
Trở lại việc phỏng đoán VO2Max dùng đồng hồ đeo tay, tiến sĩ Alex Hutchinson có viết một bài nghiên cứu trên tạp chí Runner’s World trong đó ông so sánh kết quả VO2Max từ đồng hồ Garmin và Polar với kết quả thí nghiệm ở phòng lab (reference bên dưới). Cuối cùng ông kết luận như sau:
“Cuối cùng thì tiền nào của nấy. Đối với đa số chúng ta, phỏng đoán VO2 max cũng thú vị chỉ vì nó khêu gợi óc tò mò, và một vài phần trăm sai số không có nghĩa lý gì. Nếu bạn muốn một định nghĩa chính xác hơn về thể lực thì hãy lấy hẹn với phòng lab thể dục gần nhà… hay, tốt hơn là, ghi danh chạy một giải đua.”