GÓC ĐỔ NGƯỜI – ANGLE OF FALLING trong chạy bộ

Người chạy bộ, kể cả người mới tập lẫn người có kinh nghiệm đều thường hay tự hỏi: “Động tác chạy bộ thế nào là đúng?” Những câu trả lời mà mọi người thường nghe ra rả gồm có: Tiếp đất giữa bàn chân hoặc phần mũi bàn chân (mid-foot and forefoot landing), nâng cao đùi (đùi kéo hay knee drive), chân đá lăng ra sau cao (high back swing) và tốc độ guồng chân cao (high cadence) v.v… Tuy nhiên, một yếu tố ít người bàn đến, là góc đổ người (angle of falling).

Tại sao lại là “đổ người” hay “falling”, nghĩa đen là ngã? Bởi vì thực chất chạy đường dài, thậm chí, chạy bộ nói chung, đáng nhẽ ra nên là “một cú ngã có kiểm soát”. Điều này có nghĩa là gì? Thực ra chạy đường dài, nếu ta giữ lưng thẳng đuỗn, hoặc thậm chí một số người có thói quen chạy hơi ngả người ra phía sau (như bản thân tôi trước đây), thì để tiến về phía trước, chân đạp đất phía sau của ta sẽ dùng nhiều lực hơn để đẩy đi (push off). Còn nếu ta đổ người nhẹ về phía trước, thì động tác chạy của ta sẽ là chân guồng lên liên tục để giữ cho người khỏi bị “đổ” thực sự. Khi đó, động tác chạy chân chủ yếu sẽ là đỡ người và tiếp thêm lực để đẩy về phía trước, hơn là phải dùng quá nhiều sức để đạp ra phía sau.

Minh hoạ cho điều này, trang posemethod.com đã có một bài phân tích rất hay về tư thế chạy của Eliud Kipchoge trong cuộc chạy Breaking 2 đầy tham vọng của Nike, nhằm xô đổ ngưỡng 2 giờ cho cự ly full marathon 42.195km và quảng bá cho mẫu giày racing mới Nike Vaporfly 4% (tăng thêm 4% thành tích marathon của bạn). Mặc dù không đạt được mục đích trên, và Kipchoge chỉ có thể cán đích với thời gian 2:00:25, nhưng điều mà Kipchoge cùng toàn thể Nike team làm được đã giúp cho con người cảm thấy mốc 2 giờ trở nên gần hơn bao giờ hết. Bỏ qua các yếu tố mà nhiều người đã phân tích đối với cuộc chạy Breaking 2, rằng chiếc xe pacer phía trước có cái đồng hồ chỉ giờ quá to, giúp cản gió và tạo drafting cho những người chạy phía sau, cộng với đội hình pacer chạy trước mặt 3 người trong team Nike tạo thành hình mũi tên rất có lợi, hay các điều kiện thuận lợi khác về đường chạy, thời tiết, v.v… thì trang posemethod.com có phân tích một yếu tố rất quan trọng mà Eliud thực hiện được trong suốt 2 giờ chạy. Đó là anh ta đã giữ được góc đổ người rất ổn định là 17.5 độ (hình đính kèm). Nên chú ý phân biệt “góc đổ người” của Kipchoge với “góc bổ nhào” hay “góc gù lưng” của anh elite vừa hoàn thành 100km VMM trong hình thứ hai đính kèm. “Góc đổ người” này tuyệt đối không được tạo ra bởi cách chúi đầu, gập lưng về phía trước như trong ảnh anh elite VMM 100km, mà phải xuất phát từ việc giữ thẳng vùng thắt lưng và ngả cả người về phía trước. Cảm giác đổ người trong khi chạy sẽ là kéo đi từ phần hông, lưng bụng, chứ không phải đổ từ vai, cổ, đầu.

Theo trang posemethod.com, so sánh giữa “góc đổ người của Eliud Kipchoge và Dennis Kimetto, người đang giữ kỉ lục thế giới được công nhận chính thức cho cự li marathon (2:02:57), thì Kipchoge có góc đổ người lớn hơn và cadence thấp hơn so với Dennis Kimetto. (Cadence của Kipchoge trong Breaking 2 được giữ ổn định ở mức 185 spm còn Dennis Kimetto đạt kỉ lục thế giới nói trên với cadence 188 spm).

Để biết thêm các so sánh chi tiết dáng chạy của Kipchoge với hai người đồng đội của anh trong buổi chạy Breaking 2, xin mời các bạn xem video phân tích so sánh khá chi tiết và hấp dẫn giữa dáng chạy của Kipchoge và hai người cùng tham gia sự kiện Breaking 2, là Lelisa Desisa và Zersenay Tadese.

Luôn luôn cải thiện bản thân

Dĩ nhiên, sẽ có người nói, ôi dào, ai mà theo được với Kipchoge… tuy nhiên, dù bạn là người theo đuổi podium, hay đồng hạng tư kinh niên, thì chắc chắn trong thâm tâm, ai cũng muốn thử các cách mới với hy vọng cải thiện được thành tích của mình, giúp mình chạy được nhanh hơn, xa hơn, phải không ạ?

Leave a Reply