Sau nhiều tháng dài tập luyện để chuẩn bị cho một giải đua Marathon cuối cùng thì bạn cũng đến giai đoạn “tapering”, diễn ra hai hay ba tuần trước khi race. Đây là giai đoạn mà bạn cần phải giảm cường độ luyện tập để cơ thể phục hồi và sung mãn nhất để sẵn sàng cho race.
Hãy tưởng tượng ra một tình huống bi quan nhất, khi đột nhiên bạn dính chấn thương, do thiếu khởi động, chạy quá nhiều, quá nhanh, hay quá sớm gì đó. Bầu trời như sụp tối, mục tiêu bạn đã đặt ra và tập luyện để đạt nó suốt gần 4 tháng trời dường như đang vuột khỏi tầm tay.
Sự đau đớn của chạy bộ không chỉ đến từ chấn thương thể xác. Viễn ảnh không thể chạy đều cho đúng với lịch chạy vạch sẵn sẽ dẫn đến nỗi đau tinh thần. Nỗi sợ hãi và lo lắng cái thể trạng tuyệt vời mà bạn đã đạt được do sự luyện tập kiên trì suốt 4 tháng qua sẽ tan biến còn ghê gớm hơn là vết đau do chấn thương chạy bộ. Nói chung, bạn lo là không chạy sẽ mất cảm giác chạy và sẽ không đạt được thành tích như mong muốn. Đứng trước một lựa chọn có nên tiếp tục tham gia giải đua với chấn thương không biết kịp hồi phục hay là bỏ cuộc để bảo đảm không chuốc lấy kết quả thảm bại, đa số sẽ chọn giải pháp thứ hai. Lý do đơn giản là giải đua còn nhiều, không vì một giải đua mà liều lĩnh có thể đưa đến chấn thương làm bỏ hẳn chạy bộ. Nếu bạn chọn giải pháp bỏ cuộc thì đó là một lựa chọn khôn ngoan và bạn không cần phải đọc tiếp những gì tôi sắp viết sau đây.
Đặt trường hợp bạn quyết định không bỏ cuộc thì bạn thuộc loại liều, nhưng tôi cũng khuyên bạn liều một cách thông minh, và tôi cũng muốn nhắc lại lời khuyên mà bạn nhận được từ đa số những người quan tâm đến bạn, đó là một giải đua không đáng để mình hy sinh tất cả. Như vậy thì chúng ta phải chọn một giải pháp an toàn để tiếp tục thi đấu mà không phải chuốc lấy chấn thương mãn tính, kết thúc đời chạy bộ.
Có bạn đưa giải pháp là nên uống thuốc giảm đau để tiếp tục chạy. Đây cũng là một giải pháp tốt nhưng nên nhớ nó chỉ là giải pháp tạm thời, cứ tiếp tục phụ thuộc vào trợ lực của thuốc thì hậu quả rất tai hại, cụ thể là gan và thận sẽ bị tổn thương. Hơn nữa giải pháp này chỉ nên áp dụng cho các cự ly ngắn như 5K hay 10K, những cự ly dài thì các loại thuốc giảm đau hợp pháp mà bạn có thể mua không cần toa bác sĩ (over the counter) gọi là NonSteroid Anti-inflamatory Drug (NSAID) sẽ không đủ dose. Các loại thuốc cảm cúm đều thuộc loại NSAID, có khả năng tạm thời giảm viêm và làm mình không cảm thấy đau nhức trong chốc lát. Còn những cự ly dài hơn thì chắc chắn phải cần đến những liều thuốc cực mạnh. Tôi đã thấy các bạn liệt kê những tên thuốc có chất morphine, một dạng á phiện hợp pháp, được dùng trong giải phẫu hay để dành cho các bệnh nhân mắc bệnh nan y như ung thư để họ khỏi bị đau đớn dày vò. Những loại thuốc này chắc chắn sẽ làm bạn quên đau và chạy đường xa không biết mỏi, nhưng hậu quả của nó thì chúng ta khỏi cần bàn thêm.
Giải pháp mà tôi muốn bàn đến hôm nay là chữa trị không cần thuốc men. Phương pháp phổ thông nhất là RICE, có nghĩa là Rest (nghỉ ngơi), Ice (chườm đá), Compression (mang tất bó) và Elevation (gác chân cao hơn tim khi ngủ). Có bạn lo lắng là nghỉ ngơi nhiều quá thì sợ mất cảm giác chạy bộ, đó là lo bò trắng răng. Cái cảm giác chạy bộ được tích lũy một thời gian dài không dễ gì quên được trong vòng hai, ba tuần lễ. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình chạy rất tốt sau thời gian dưỡng chân. Vấn đề chính là để duy trì thể lực trong giai đoạn nghỉ này bạn vẫn có thể luyện tập chéo (cross training) như bơi lội hay đạp xe, những hoạt động này không có tác động mạnh lên đôi chân nhưng vẫn khiến nhịp tim và hơi thở làm việc ở cường độ cao.
Tuy nhiên, RICE đôi khi đòi hỏi thời gian dài hơn là hai hay ba tuần tapering, do đó chúng ta phải tìm cách đốt giai đoạn để kịp đặt chân ở vạch xuất phát để chạy 42 km. Giải pháp điều trị mà tôi muốn nói đến ở đây là trị liệu siêu âm và tia laser. Cách đây không lâu hai phương pháp trị liệu chấn thương này còn là thử nghiệm lâm sàng (clinical trial) và trị liệu tia laser chỉ mới được công nhận và đưa vào môi trường thể thao chừng một thập niên nay thôi. Thậm chí còn có nhiều chuyên gia nghi ngờ về hiệu quả của nó và có nhiều cuộc khảo cứu cho rằng đây chỉ là một hình thức giả dược (placebo), kết quả mang lại là nhờ tâm lý, chẳng hạn khi mình tin là nó có kết quả tốt thì não bộ sẽ tiết ra một chất hóa học gọi là “dopamine” có khả năng làm lành các vết thương trong cơ thể!
Nếu bạn là người làm khoa học như tôi chắc bạn không tin hiệu năng placebo cho nên chắc não bộ của bạn sẽ không bao giờ tiết ra loại hóa chất thần kỳ đó, vậy chúng ta hãy tìm hiểu ultrasound hay laser có thật sự chữa lành chấn thương hay không?
Khi nghe đến siêu âm chúng ta hay nghĩ đến mấy bà bầu đi khám thai được bác sĩ sản phụ bôi lớp gel lên bụng xong dùng một vật tròn rà lên trên đó, trên màn ảnh sẽ hiện ra hình thai nhi đang cựa quậy. Giải thích theo khoa học thì dụng cụ này gửi các lớp sóng âm thanh tần số cao xuyên qua lớp da, khi lớp sóng âm thanh chạm vào những địa hình bên trong bụng thai phụ nó sẽ gửi tín hiệu ngược lại và tín hiệu đó được thâu nhận và vẽ lên thành sơ đồ hai chiều trên màn ảnh.
Đó là chỉ là một áp dụng điển hình của sóng siêu âm thanh, ngoài ra nó còn có thể áp dụng trong các lảnh vực dầu mỏ, quân sự, thám hiểm không gian, v.v. Thế thì chuyện dùng siêu âm để chữa lành chấn thương chạy bộ thì sao? Chấn thương chạy bộ đa phần là do viêm hay bị rách phần cơ hoặc gân, thông thường thì các VĐV được bác sĩ chích cho một liều cortisone để giảm viêm, nhưng đối với những người không thích bị kim chích vì lo lắng những phản ứng phụ thì siêu âm sẽ là lựa chọn của họ. Sóng siêu âm có thể được điều chỉnh đúng công suất để gia tăng lượng máu tải đến phần cơ hay gân bị hư hại và giúp giảm sưng, hồi phục nhanh hơn. Thậm chí có nhiều nghiên cứu cho thấy siêu âm còn giúp lành rạn xương mau chóng hơn. Mỗi lần trị liệu siêu âm kéo dài từ 3 đến 5 phút, những trường hợp bị rách các phần xơ thì đòi hỏi thời gian lâu hơn. Trong suốt buổi trị liệu, phần đầu tròn được di chuyển liên tục trên lớp gel và bệnh nhân sẽ không cảm thấy khó chịu chút nào. Trong khi đó, những lớp sóng siêu âm sẽ phát ra ảnh hưởng điện từ “piezoelectric” và nó làm rung phần bên trong của phần đầu tròn, các tia sóng âm thanh này đi qua lớp da và làm rung những phần mô bên dưới. Sự rung động tạo ra một hơi nóng sâu trong cơ thể, và bệnh nhân không cảm nhận được hơi nóng đó. Hơi nóng sẽ giúp các vết thương mau lành lặn hơn.
Còn phương pháp dùng tia laser hay nói rõ hơn là Low Level Laser Therapy (LLLT) để trị lành vết thương cũng tương tự như siêu âm là gửi tín hiệu xuyên qua lớp da và chữa trị các phần cơ hay gân bị viêm, nhưng thay vì dùng sóng âm thanh LLLT dùng sóng ánh sáng. Một hiệu quả nổi trội của LLLT là không những làm giảm viêm, nó còn giúp tải oxy đến từng tế bào khi ánh sáng được truyền đến máu.
Trên đây là một vài kiến thức tương đối mới nhưng vẫn còn trong vòng tranh cãi. Tôi hy vọng bạn không phải cần đến nó. Đặt trường hợp bạn dính chấn thương mà muốn đốt cháy giai đoạn hồi phục thì bạn còn có lựa chọn. Không cần biết lựa chọn của bạn là gì, tôi xin chúc bạn gặp nhiều may mắn và thành công.
Tác giả: Bruce Vu